Đền chùa Tồn Thành xã Giao Thịnh
DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH : Đền chùa Tồn Thành xã Giao Thịnh


Đền làng Tồn Thành

Về lịch sử hình thành mảnh đất Tồn Thành cũng giống như những làng khác ở huyện Giao Thủy được hình thành trong chiến dịch khai khẩn đất hoang của Doanh điền Nguyễn Công Trứ. Vào năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), có 20 gia đình với 34 người thuộc các họ: Nguyễn, Trần, Phạm, Đỗ, Vũ, Lê, Mai, Cao, Đoàn…theo lời hiệu triệu của quan Doanh điền Nguyễn Công Trứ xuống khai hoang lập nên ấp Tồn Thành. Họ chủ yếu là nông dân nghèo, thiếu đất sản xuất ở vùng huyện Xuân Trường, Trực Ninh (Nam Định) và Kiến Xương (Thái Bình). Một số người khác là nghĩa quân Phan Bá Vành, sau khi cuộc khởi nghĩa bị dập tắt vào năm 1827, họ tìm đường lẩn tránh, sống lay lắt khổ cực. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Công Trứ có chủ trương cấp ruộng đất cho dân lưu tán sản xuất nhằm ổn định tình hình trật tự xã hội ở vùng này.
Năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) ấp Tồn Thành được hình thành. Ba năm sau (1831) nước sông dâng lên, đê vỡ ngập cả ấp, một số dân phải dời đi nơi khác, một số ở lại bám trụ đắp đê thau chua rửa mặn dựng lại làng xóm. Diện tích ban đầu khai hoang được 500 mẫu, trong đó có 100 mẫu thổ cư, 400 mẫu ruộng. Trung bình cứ mỗi xuất đinh được chia hai mẫu đất (nam từ 18 tuổi trở lên là một xuất đinh). Đến năm 1856, cả ấp có 50 đinh, đến nay toàn thôn Tồn Thành có 21 họ với 500 hộ gia đình, tổng cộng 1.900 nhân khẩu.
Trước năm 1945 ấp Tồn Thành thuộc tổng Hoành Thu huyện Giao Thủy, phủ Xuân Trường tỉnh Nam Định. Sau đó ấp Tồn Thành được đổi tên thành thôn Tồn Thành thuộc xã Giao Hoan rồi xã này được sáp nhập vào xã Giao Hiếu thành xã Giao Thịnh. Nay đền và chùa Tồn Thành thuộc thôn Tồn Thành, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Đền Tồn Thành thờ Nguyễn Công Trứ người đã chiêu dân lập lên tổng Hoành Thu năm 1828 trong đó có ấp Tồn Thành. Ông không những có công lớn trong cuộc khai hoang lấn biển ở vùng ven biển đồng bằng sông Hồng mà còn tiến hành các biện pháp thủy lợi và giao thông đồng thời còn tổ chức các đơn vị làng, trại, ấp để góp phàn ổn định trật tự xã hội. Ngoài ra, đền còn thờ các ông tổ lập làng, hiện trong đền còn bài vị thờ các ông tổ thuộc các họ: Nguyễn, Trần, Phạm, Đỗ, Vũ, Lê, Mai, Cao, Đoàn…
Đền và chùa Tồn Thành là những công trình kiến trúc hoàn toàn mang phong cách dân tộc, ngoài ra di tích còn lưu giữ được nhiều cổ vật, cổ thư có giá trị . Đền Tồn Thành quay về hướng đông chếch Nam 150. Đền có cổng chính giữa cao 7 m xây cuốn, trên có một tầng chồng diêm kiểu “nghi môn” trong có treo chuông đồng do ấp Tồn Thành cúng vào niên hiệu Duy Tân thứ 9 (1915). Hai bên cổng vòm có 4 cột đồng trụ cao chia đều ở hai phía cao 5 m, hai cửa hai bên đối xứng với cửa chính cùng thiết kễ kiểu chồng diêm nhưng nhỏ hơn cửa chính. Xung quanh khu vực nội tự có tường xây bao quanh.Đền Tồn Thành có kiến trúc kiểu "tiền nhất hậu đinh". Tiền đường 5 gian, trung đường 4 gian và chuôi vồ 3 gian nhỏ.
Nhang án tại tiền đường đền Tồn Thành
Tiền đường được xây kiểu kiến trúc cao hơn hẳn, trội lên so với trung đường và bước xuống sân lát gạch phải qua bậc tam cấp. Mặt đằng trước nổi lên 6 cột trụ vuông liền so với nhà tiền đường. Mặt ngoài được tạo thành những khung câu đối khép lại so với các gờ chỉ nổi. Hai cột trụ ở hai bức tường ngoài cùng có kích thước lớn hơn và trang trí đỉnh trụ trên có đôi nghê chầu tỉa gọt khá công phu. Chính giữa mặt trước tiền đường là đôi rồng chầu mặt nguyệt đắp uốn lượn nhịp nhàng cùng với mây lửa. Tiền đường có 3 cửa vào hình chữ nhật, gian giữa rộng hơn hai gian còn lại hai bên có kích thước bằng nhau. Với kỹ thuật chạm trổ cầu kỳ sống động phía trước nhang án khu vực gian giữa là hai hàng bát biểu, hai gian bên bày hai con ngựa bạch dài 1,7m, cao 1,8m, tiếp đó là giá chiêng, giá trống chạm khắc rồng và hoa lá cách điệu sơn son thiếp vàng.
Hai bên lối cửa vào trung đường giáp tiền đường gắn hai bia đá vào tường. Gian trung đường đặt hai cỗ kiệu được chạm trổ công phu tỷ mỷ đề tài long ly kết hợp vân mây. Gian bên phải có bàn thờ Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với dòng chữ ghi trên bài vị: “Nguyễn triều sắc phong phúc thần Doanh điền sứ Nguyễn tướng công thần vị”, phía trước có cỗ kiệu long đình chạm đề tài “long, ly, quy, phượng”. Gian bên trái có bàn thờ 20 ông tổ khai hoang lập ấp đầu tiên ở Tồn Thành. Hậu cung có 3 gian nhỏ. Gian giữa đặt khám thờ Triệu Quang Phục- người anh hùng dân tộc có công chống giặc ngoại xâm thời kỳ Bắc thuộc.


Toàn cảnh khu di tích Đền chùa Tồn Thành

Nằm về phía bên phải đền là chùa Tồn Thành hay còn có tên gọi là Phong An tự. Chùa được xây dựng kiểu chữ "đinh". Bái đường 3 gian, mặt trước cũng tương tự như đền nhưng có quy mô nhỏ hơn. Trước chùa là sân và vườn rộng. Bái đường xây cuốn bít đốc. Giáp bái đường và thượng điện có 3 chữ “Phong An tự” sơn son thiếp vàng chạm rồng, hoa lá kết hợp. Cỗ nhang án ở đây cũng được chạm trổ đề tài “long, ly,quy, phượng” rất cầu kỳ, tinh xảo. Thượng điện được xây cao hơn bái đường và thờ Phật. Phía sau chùa là nhà tổ kiến trúc kiểu chữ "đinh": bái đường 5 gian, hậu cung 2 gian, bên trong thờ các vị sư tổ và Không Lộ thiền sư.
Tại khu di tích Đền chùa Tồn Thành còn tồn tại khá nhiều lễ hội như: lễ xuân, lễ kỳ phúc, lễ nhập hạ vào tháng 3, lễ hạ điền vào tháng 4 và kỷ niệm ngày mất của Triệu Quang Phục và Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Vào những dịp kỷ niệm này, nhân dân địa phương đã tổ chức tế lễ rất long trọng. Ngoài tế lễ bên đền và cúng bái tại chùa, ở đây còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa- thể thao dân tộc nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong làng xã, góp phần động viên bà con đẩy mạnh sản xuất với mong ước có cuộc sống ấm no cho mọi gia đình.
Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đền và chùa Tồn Thành cũng ghi đậm những dấu tích của lịch sử cách mạng. Năm 1947, tại sân đền đã thành lập 4 trung đội du kích gồm 3 trung đội trẻ và một trung đội “Bạch đầu quân”. Cuối năm 1947, tách chi bộ ghép hai xã Tân Dân và xã Giao Yến để thành lập chi bộ đầu tiên của xã gồm 3 đồng chí: Trần Văn Hoan, Phạm Văn Đạt và Vũ Viết Mạc đều là người Tồn Thành. Đến năm 1949 chi bộ phát triển số lượng lên đến 51 đảng viên. Từ năm 1949-1951, thôn Tồn Thành bị địch tạm chiếm nhưng đền và chùa ở địa phương vẫn là nơi sơ cứu thương binh và là nơi ẩn nấp của các chiến sỹ cách mạng.
Từ những giá trị trên đây, năm 2002 Đền chùa Tồn Thành đã được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích lịch sử văn hóa nhằm động viên địa phương trong việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy những giá trị lịch sử và văn hóa của công trình cho hôm nay và mai sau.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1