Mặt đứng từ đường họ Nguyễn thôn Tồn
Thành- Giao Thịnh
Năm 1828, 1829, Doanh điền sứ
Nguyễn Công Trứ tổ chức công cuộc khai hoang tại vùng ven biển các tỉnh: Thái
Bình, Ninh Bình, Nam Định. Tại vùng ven biển Giao Thuỷ (Nam Định), ông đã lập
tổng Hoành Thu, trong đó có ấp Tồn Thành (còn gọi là ấp Ba).
Trước cách mạng tháng 8- 1945, từ đường họ Nguyễn thuộc ấp Tồn Thành, tổng
Hoành Thu, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định. Sau cách mạng tháng 8- 1945, có sự
điều chỉnh địa giới đồng loạt với việc bỏ cấp tổng, lập cấp xã trên cơ sở một
hoặc nhiều làng, xã cũ. Tồn Thành trở thành một thôn của xã Giao Hoan.
Ngày 28-3-1969, 2 xã Giao Hoan và Giao Hiếu hợp nhất thành xã Giao Thịnh
(Theo Quyết định số 164-NV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ).
Hiện nay, Giao Thịnh là một trong 22 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn của
huyện Giao Thuỷ; có diện tích tự nhiên 981,47ha, số dân trên 13000 người, phân
bổ thành 6 thôn: Tồn Thành, Bỉnh Di, Thức Hoá, Mộc Đức, Du Hiếu, Thanh Trì với
16 xóm, từ xóm 1 đến xóm 16; ở vị trí địa lý, phía bắc giáp xã Giao Tân, phía
nam giáp xã Giao Lâm, phía tây giáp huyện Hải Hậu, phía đông giáp xã Giao Yến
và Giao Phong. Từ đường họ Nguyễn được xây dựng tại xóm 2 của thôn Tồn Thành.
Mặt bên
từ đường
Căn
cứ vào Gia phả họ Nguyễn soạn vào ngày 17 tháng 5 năm Giáp
Tuất, niên hiệu Tự Đức thứ 27 (1875), hậu duệ dòng họ là Nguyễn Trung Hưng sao
lại vào ngày 25 tháng 5 năm Kỷ Hợi, niên hiệu Thành Thái 11 (1899) thì Thuỷ tổ
Nguyễn Phúc Đoan (Nguyễn Nhu) sinh năm 1797, mất ngày 12 tháng 2 năm 1873, quê
ở xã Hạc Châu, phủ Xuân Trường, nay là thôn Hạc Châu, xã Xuân Châu, huyện Xuân
Trường. Mới đầu Thuỷ tổ Nguyễn Phúc Đoan và gia đình theo ông nội là Nguyễn
Phúc Môn di cư từ Hạc Châu xuống An Cư (Xuân Vinh, Xuân Trường) sinh sống và
lập nghiệp vào năm 1827. Chỉ một năm sau đó (1828), hưởng ứng lời kêu gọi của
Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, ông đã cùng gia đình xuống khẩn hoang tại vùng
ven biển huyện Giao Thuỷ và trở thành Nguyên mộ (người đứng đầu việc tổ chức
công cuộc khai hoang) của ấp Tồn Thành (tục gọi là ấp Ba).
Bộ bát
biểu mang phong cách thời Nguyễn
Tại vùng sa bồi ven biển
huyện Giao Thuỷ, dưới sự tổ chức của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, Nguyên mộ
Nguyễn Phúc Đoan đã cùng các vị tổ: Vũ Văn Huân, Trần Tứ, Trần Văn Cẩm, Lưu Giang
Lễ, Cao Danh Chính, Trần Phúc Thiệu, Đinh Viết Hưng, Lê Huy Nghị, Phan Văn
Minh, Lâm Văn Nhị, Ngô Doãn Phú, Phùng Phúc Chuyên, Phạm Tuyên đã cùng nhau
chiêu mộ nhân dân, huy động nhân tài và vật lực tiến hành quai đê lấn biển. Tại
ấp Tồn Thành Nguyên mộ Nguyễn Phúc Đoan đã cùng 20 gia đình với 31 nhân đinh
thuộc các dòng họ: Nguyễn, Trần, Phạm, Đỗ, Vũ, Lê, Mai, Cao, Đoàn… tiến hành
khai hoang mở đất.
Trải qua biết bao mồ hôi và công sức, các vị tổ và nhân dân trong vùng đã biến
những bãi hoang đầy sú vẹt, lau lác um tùm thành những cánh đồng màu mỡ. Chỉ
trong một thời gian ngắn, từ tháng 3 năm 1828 đến đầu năm 1829, dưới sự tổ chức
của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, các vị tổ và người dân trong vùng đã khai
phá được 385 mẫu ruộng đất. Trên cơ sở kết quả khai hoang đã thu được, Doanh
điền sứ và các vị tổ đã cho lập tổng Hoành Thu gồm 14 ấp, trại, giáp: Tồn
Thành, Bỉnh Di, Địch Giáo, Quân Lợi, Hiệt Cũ, Thuý Dĩnh, Ngưỡng Nhân, Thức Hoá,
Duy Tắc, Duy Hiếu, Mộ Đức, Tự Lạc, Khắc Nhất, Đắc Sở.
Ngai thờ
mang phong cách thời Nguyễn
Sau khi thành lập ấp Tồn
Thành, Nguyên mộ- Thuỷ tổ Nguyễn Phúc Đoan đã cùng các vị tổ của 19 dòng họ
khác cùng nhân dân trong ấp mở mang đường xá, phát triển sản xuất, ổn định đời
sống. Các vị tổ còn cho xây dựng đình, đền, miếu… đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng
của nhân dân. Quá trình khai hoang lấn biển ở Hoành Thu nói chung, ở Tồn Thành
nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là công việc đắp đê ngăn mặn, khơi
thông sông ngòi dẫn thuỷ nhập điền. Gia phả họ Nguyễn và truyền thuyết địa
phương cho biết năm 1829 lập ấp Bỉnh Di thì chỉ 3 năm sau (1831), nước sông
dâng lên, đê bị vỡ ngập cả ấp. Lúc này Nguyên mộ Nguyễn Phúc Đoan cùng các vị
tổ đã huy động nhân dân chuyển một bộ phận đi nơi khác, một bộ phận ở lại bám
trụ đắp đê phía nam sông Ngô Đồng, thau chua rửa mặn dựng nên làng xóm. Đến
niên hiệu Thiệu Trị thứ 2 (1841) đê lại bị vỡ lần nữa. Dưới sự chỉ đạo của quan
Tri phủ Nguyễn Đăng Sỹ, Nguyên mộ Nguyễn Phúc Đoan tiếp tục tổ chức dân binh
đắp đê, khơi thông dòng chảy, tu sửa lại các công trình, đưa dân về ấp tiếp tục
sinh sống và lập nghiệp. Do công lao và đức tài, ông được nhân dân trong ấp tôn
làm Hương trưởng.
Từ đường họ Nguyễn là nơi thờ tự và tri ân công đức của các thế hệ con cháu
dòng họ và nhân dân đối với Thượng tổ- Thiếu Bảo, Bình Quận Công Nguyễn Văn
Ích. Ông là một vị đại quan đã có nhiều công lao đóng góp trong việc xây dựng
đất nước dưới hai triều vua: Lê Anh Tông (1567- 1573) và Lê Thế Tông (1573-
1600). Sau khi về quê trí sỹ, ông đã tổ chức nhân dân khẩn hoang mở rộng vùng
đất Hạc Châu xưa, Xuân Châu ngày nay. Thượng tổ Nguyễn Văn Ích đã được nhân dân
suy tôn, các triều đại phong kiến sắc phong là Thành hoàng làng. Bên cạnh việc
thờ tự ông tại đền làng, con cháu dòng họ còn lập từ đường để thờ tự (trong đó
có từ đường họ Nguyễn ở Tồn Thành, Giao Thịnh), thể hiện truyền thống trong đạo
hiếu của dân tộc.
Từ
đường họ Nguyễn còn là nơi thờ tự các vị tổ của dòng họ, những người đã đóng
góp nhiều công lao trong công cuộc khai hoang, lấn biển mở đất, dựng xây
đất Tồn Thành, Giao Thịnh, Giao Thuỷ, tiêu biểu là Thuỷ tổ Nguyễn Phúc Đoan.
Việc thờ tự tại ngôi từ đường đã nói lên tấm lòng thành kính và sự biết ơn sâu
sắc của con cháu họ Nguyễn đối với người có công dựng làng, giữ nước, đồng thời
có tác dụng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá cho các thế hệ mai sau.
Từ
đường họ Nguyễn toạ lạc trên một khu đất cao ráo, thoáng đãng, rộng 406m2,
mặt quay về hướng tây nam; phía trước từ đường là cánh đồng làng, phía sau và
hai bên tiếp giáp khu dân cư của xóm 2 thôn Tồn Thành, xã Giao Thịnh, huyện
Giao Thuỷ. Nhìn từ ngoài vào trong, từ đường gồm các thành phần kiến trúc: sân,
nhà khách và công trình chính.
Sân từ đường rộng 121,98m2 (11,40m
x 10,70m), lát gạch đỏ thuận lợi cho việc tế lễ. Xung quanh sân có xây tường
hoa cao 1,30m tạo quy mô khép kín.
Nhà khách ở vị trí bên phải từ đường gồm 3 gian, dài 7,40m, rộng 4,53m, xây
gạch vữa trát vữa, đổ mái bê tông dùng làm nơi hội họp của con cháu dòng họ
trong những kỳ lễ.
Công trình từ đường kiến trúc theo kiểu chữ “công” gồm 3 toà: tiền
đường, trung đường và hậu cung.
Toà tiền đường 3 gian, dài 9,10m, rộng 5,60m xây theo kiểu cuốn vòm, cột gạch.
Hai bên hồi tiền đường có xây 2 cột đồng trụ cao 5m, cạnh vuông 0,48m. Cột trụ
cấu tạo thành ba phần: đỉnh trụ đắp hoạ tiết nghê chầu, thân trụ là một khối
vuông tạo gờ chỉ nhấn nổi câu đối chữ Hán, chân đế đắp hình cổ bồng.
Phần nội tâm của toà tiền đường bố trí thành 3 gian: gian giữa rộng 2,95m, hai
gian bên rộng 2,90m. Để tạo nên bộ khung chịu lực, ngoài việc sử dụng 3 lớp vòm
cuốn chạy suốt chiều dài của công trình, bên trong còn bố trí 4 cây cột gạch
cạnh 0,40m tạo thành 2 bộ vì theo kiểu giá chiêng ở gian giữa. Hai gian
bên có các cây cột gạch xây bám tường.
Để giảm bớt sự nặng nền cho công trình kiến trúc, tại toà tiền đường, con cháu
dòng họ đã tạo hệ thống cửa võng ở cả 3gian với hoạ tiết triện tàu, tứ linh và
bài trí nhiều đồ thờ tự có giá trị như bát bửu, nhang án, câu đối, đại tự…
Nền tiền đường tồn cao hơn mặt sân 0,53m, lát gạch đỏ, phía trước tạo bậc lên
xuống.
Cửa tiền đường: cửa gian giữa rộng 0,82m, lắp hệ thống cánh cửa bằng gỗ lim
kiểu bức bàn, sơn màu đỏ.
Mái toà tiền đường gắn ngói nam. Bờ nóc đắp hoạ tiết đường triện tàu, lưỡng
long chầu nguyệt.
Bài trí thờ tự tại tiền đường như sau: gian giữa
đặt ban thờ công đồng, hai gian bên đặt hệ thống thần chủ thờ các vị tổ kế
thành của dòng họ Nguyễn.
Trung đường 1 gian xây quay dọc nối mái với tiền đường, dài 3,10m, rộng 2,95m,
xây cuốn vòm, mái gắn ngói nam, nền lát gạch đỏ.
Từ trung đường thông sang hậu cung có 3 ô cửa (cửa giữa cao 1,92m, rộng 1,05m;
hai cửa bên cao 1,92m, rộng 0,57m) phía trên cửa tạo hệ thống bức thuận (bằng
bê tông) trang trí đề tài: long vân, phượng vũ.
Toà hậu cung 3 gian, dài 5,09m, rộng 3,30m, xây cuốn vòm, mái gắn ngói nam, nền
lát gạch đỏ. Phía hai bên có trổ cửa thông gió tạo sự thông thoáng. Hậu cung là
không gian thờ tự quan trọng nhất của từ đường. Gian giữa cung cấm đặt ngai và
bài vị thờ Thượng tổ, Thiếu Bảo Bình Quận Công Nguyễn Văn Ích ở vị trí chính
giữa, hai bên là ngai bài vị thờ Thừa quận công Nguyễn Văn Tinh (đời thứ 2),
Hoành quận công Nguyễn Văn Huyên (đời thứ 3). Hai gian bên đặt ngai và bài vị
thờ các vị tổ kế thành, trong đó đáng chú ý là tổ Nguyễn Phúc Đoan, ông chính
là Thuỷ tổ dòng họ Nguyễn tại đất Tồn Thành, Giao Thịnh. Hầu hết, các hạng mục
kiến trúc của công trình từ đường họ Nguyễn đều mới được xây dựng và tôn
tạo nhưng vẫn bảo lưu được đường nét kiến trúc truyền thống của dân tộc.
Sắc
phong Lê triều công thần (phục chế)
Bên
cạnh giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, hàng năm tại ngôi từ đường còn
diễn ra nhiều ngày lễ, sinh hoạt văn hoá góp phần đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng
của con cháu dòng họ và nhân dân địa phương, đồng thời thể hiện truyền thống “Uống
nước nhớ nguồn”, của dân tộc. Tiêu biểu nhất là ngày Lễ Kỵ tổ: Là
ngày đại lễ của dòng họ. Trước năm 1954, dòng họ lấy ngày kỵ giỗ Thuỷ tổ Nguyễn
Phúc Đoan, người có công theo Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ cùng 19 vị tổ của
các dòng họ khác về đất Tồn Thành khai hoang lập ấp, tức ngày 12 tháng 2 âm
lịch. Thời gian này, ngoài phần ruộng kỵ giỗ do con cháu dòng họ tiến cúng, họ
còn có lệ người trong họ sinh con trai, con gái hay có con dựng vợ, gả
chồng thì đóng cho quỹ họ một thùng thóc (khoảng 20kg) để họ dùng vào ngày kỵ
giỗ và các dịp lễ tiết.
Sau ngày hoà bình lập lại (năm 1954), dòng họ lấy ngày 7 tháng giêng là ngày kỵ
giỗ, tức ngày kỵ tổ Nguyễn Phúc Đoan (hậu duệ đời thứ 6 của Thượng tổ Nguyễn
Văn Ích). Ông đã chuyển gia đình từ Hạc Châu (Xuân Châu) xuống An Cư (Xuân
Vinh) sinh sống và lập nghiệp sau đó mới dời xuống Tồn Thành. Vào ngày này, con
cháu trong họ ở tất cả các chi bất kể gần xa đều về từ đường dự ngày đại lễ của
dòng họ. Sau khi tổ chức lễ dâng hương cầu phúc, cầu lộc, cầu tài cho con cháu,
họ tổ chức đọc bản tóm tắt ôn lại công lao của tiên tổ, quá trình xây dựng và
tôn tạo ngôi từ đường. Tiếp theo, họ tổ chức họp họ và cùng nhau thụ lộc tổ.
Đôi câu
đối tại từ đường họ Nguyễn thôn Tồn Thành
Dòng họ Nguyễn thôn Tồn
Thành- Giao Thịnh có nhiều đóng góp trong các phong trào cách mạng và kháng
chiến ở địa phương: Sau khi cách mạng tháng 8-1945 thành công, hoà chung khí
thế của dân tộc, con cháu họ Nguyễn ở Tồn Thành đã tích cực tham gia xây dựng
chính quyền và các đoàn thể quần chúng cách mạng như thanh niên, phụ nữ, mặt
trận… Nhiều con em của dòng họ đã tham gia hoạt động cách mạng từ sớm, giữ vị
trí chủ chốt trong chính quyền thôn, xã. Tiêu biểu là ông Nguyễn Ngọc Nhưng là
Chủ tịch uỷ ban kháng chiến hành chính xã Giao Hoan bị giặc Pháp giết hại vào
năm 1947.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, con cháu họ Nguyễn
có hơn 80 con em lên đường nhập ngũ bảo vệ tổ quốc, trong đó có 10 người đã anh
dũng hy sinh tại các chiến trường, 12 người là thương bệnh binh, 11 người là sỹ
quan quân đội. Số lượng huân, huy chương, bằng khen của các cá nhân, gia đình trong
dòng họ được Đảng và Nhà nước trao tặng là 48. Theo thống kê của Ban trị sự
dòng họ, hiện nay họ Nguyễn có 5 chi (gồm: 4 chi ở Tồn Thành, Giao Thịnh, Giao
Thuỷ và 1 chi ở Hạc Châu, Xuân Châu, Xuân Trường) với trên 400 nhân khẩu (150
đinh). Trong số con em của dòng họ, 26 người có trình độ Đại học và trên đại
học, 21 người có trình độ Cao đẳng và Trung cấp, nhiều người đã trưởng thành.
Con cháu dòng họ Nguyễn đang ngày đêm đóng góp sức mình trên mọi lĩnh vực công
tác, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Với
những giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu trên đây, năm 2010 từ đường Họ
Nguyễn thôn Tồn Thành- Giao Thịnh đã được UBND tỉnh Nam Định công nhận là
di tích lịch sử văn hóa để bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của di tích
ngày càng tốt hơn./.
Như Quỳnh