Giao Thịnh tập trung phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa

     Hiện nay, lúa mùa năm 2020 của xã đang trong giai đoạn đứng cái làm đòng. Thời gian qua, thời tiết mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng địch hại phát sinh gây bệnh, diễn biến phức tạ. Qua kiểm tra thăm đồng hiện các đối tượng sâu cuốn lúa nhỏ lứa 6, rầy lứa 5, bệnh khô vằn, đạo ôn, bệnh lùn sọc đen phát sinh gây hại. Để bảo vệ an toàn các trà lúa, Ban Nông nghiệp xã hướng dẫn xã viên tập trung phun trừ 3 đối tượng sâu bệnh chính là sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, rầy nâu rầy lưng trắng lứa 5, bệnh khô vằn cho 100% diện tích từ ngày 28 - 31/8/2020.

     Vụ mùa năm 2020 toàn xã gieo cấy trong điều kiện thời tiết thuận lợi, nên sau khi cấy cây lúa sinh trưởng phát triển khá đồng đều, tỷ lệ lúa tốt chiếm 95%. Tuy nhiên các đối tượng sâu bệnh tiếp tục phát sinh gây hại, ngành chuyên môn chỉ đạo bà con xã viên thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phòng trừ sâu bệnh từ ngày 28 - 31/8/2020 cho 100% diện tích. Dự kiến lúa mùa sẽ trỗ bông từ ngày 15 - 20/9. Để cây lúa làm đòng trỗ bông thuận lợi, Ban Nông nghiệp xã hướng dẫn xã viên thường xuyên kiểm tra thăm đồng, đồng thời phát động bà con chăm bón thúc đợt 2. Để cây lúa cứng cây đanh dảnh, làm đòng trỗ bông thuận lợi, bà con bón phân cân đối, không nên bón quá nhiều đạm cây lúa xanh tốt dễ mẫn cảm với các loại sâu bệnh. Theo khuyến cáo của Ban nông nghiệp xã, xã viên nên bón thúc tập trung cho những diện tích lúa đã đủ số dảnh/m2, kết thúc trước ngày 28/8 với lượng 3 kg kaly/sào, đối với những diện tích lúa xấu bón bổ sung 1,5 - 2 kg đạm/sào, kết thúc chăm bón đợt 2 trước ngày 5/9 với lượng 3 kg kaly/sào.

Xã viên tập trung chăm bón lúa mùa theo hướng dẫn của ban nông nghiệp xã

     Qua kiểm tra thăm đồng hiện nay bệnh lùn sọc đen phát sinh rải rác trên các diện tích lúa, tỷ lệ bệnh 0,3 -0,5%, các địa phương có tỷ lệ bệnh lùn sọc đen cao. Nếu không thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống bệnh lùn sọc đen theo khuyến cáo của ngành chuyên môn nguy cơ giảm năng suất từ 3-5%. Đối tượng sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 mật độ cao, lứa sâu kéo dài mật độ phổ biến 2 - 4 con/m2, nơi cao 7 - 10 con/m2, cá biệt trên 1000 con/m2. Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 5 tiếp tục phát sinh gây hại, là nguyên nhân chính gây bệnh lùn sọc đen. Hiện mật độ rầy phổ biến 500-700 con/m2, nơi cao 1.500 - 2.000 con/m2, cục bộ trên 3.000 con/m2. Theo đó, Ban nông nghiệp xã hướng dẫn xã viên tập trung phun trừ 3 đối tượng sâu bệnh chính là sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, rầy nâu rầy lưng trắng lứa 5, bệnh khô vằn cho 100% diện tích lúa mùa từ ngày 28 - 31/8/2020.

Bà con tập trung phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa.

     Trong quá trình phun xã viên thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng, sử dụng các loại thuốc như Cleve 150SC, Ebato 160SC, Midan 10WP, Anvin 5SC, Chevin 5SL…. sau phun 4 giờ gặp mưa và sau 3 ngày kiểm tra lại nếu mật độ rầy trên 30 con/khóm phải phun lại. Ngoài các đối tượng sâu bệnh trên ban nông nghiệp khuyến cáo xã viên nên theo dõi các đối tượng sâu bệnh như bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, đạo ôn cổ bông cho các giống lúa nhiễm như Đài thơm 8, BC 15, Nếp, Thiên ưu… khi lúa trỗ gặp mưa.

        Hiện nay, trên các cánh đồng trên địa bàn xã xuất hiện tình trạng chuột phá đồng gây hại mạnh nhất là đến cuối vụ. Ban Nông nghiệp xã khuyến cáo bà con xã viên tập trung diệt chuột đồng loạt bằng phương pháp thủ công hoặc thuốc hóa học. Tuyệt đối không dùng điện và các biện pháp dễ gây nguy hiểm cho người và vật nuôi để diệt chuột giúp cây lúa làm đòng trỗ bông thuận lợi./.

 


image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1