Làm giàu từ nuôi chim công
Với lòng đam mê và sự nhạy bén kinh doanh, anh Nguyễn Văn Luân (32 tuổi), ở xóm 12, xã Giao Thịnh (Giao Thuỷ) đã biến thú chơi chim cảnh thành nghề hái ra tiền và trở thành triệu phú nhờ nuôi chim công.
Đến xã Giao Thịnh hỏi anh Luân “công” thì ai cũng biết. Sở dĩ anh Luân có biệt danh này vì nổi tiếng khắp vùng với nghề nuôi chim công. Chia sẻ với chúng tôi, anh Luân cho biết: “Tôi vốn là lái xe hợp đồng, nhưng lại mê mẩn nuôi chim cảnh hơn vô lăng”. Vì đam mê, anh Luân đã đi khắp miền Bắc sưu tầm và tìm hiểu về các giống chim cảnh quý được ưa chuộng. Anh kể: Đúng như lời các cụ dạy: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Có dịp giao lưu nhiều nơi, tôi nhận thấy ngoài các loại chim cảnh phổ biến như hoàng yến, hoạ mi, sơn ca…, nhu cầu của người chơi chim, chơi gà quý, đặc biệt là chim công, ngày càng nhiều mà nguồn cung quá ít. Chim công còn được xem là con vật nuôi phong thủy, mang đến sự may mắn và hòa khí cho gia đình gia chủ, nên được các chủ trang trại, người có thu nhập cao rất ưa chuộng và mua về làm cảnh, là loài vật nuôi ưa thích của các khu du lịch sinh thái. Năm 2015, tôi bắt đầu thử nghiệm nuôi công. Chỉ sau 2 năm vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, anh đã gây dựng được đàn chim công 40 con, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình. Dịp Tết Kỷ Hợi 2019, anh đã xuất bán được 15 cặp chim công với giá 15-16 triệu đồng/cặp chim công xanh và 30-40 triệu đồng/cặp chim công trắng, thu về hơn 200 triệu đồng. Hiện tại, anh Luân có 10 cặp chim công giống. Theo anh Luân, tìm giống chim công khó nhưng nuôi công lại “dễ như nuôi gà”, tốn ít công chăm sóc. Chim công ưa thích ăn loại hạt ngũ cốc như thóc, ngô, lạc và rau màu các loại kết hợp với cám tổng hợp cho gia cầm. Riêng nước uống phải đảm bảo thật sạch và được thay mới hàng ngày. Chim công cũng hay mắc các bệnh giống như gà nên cách phòng, chữa bệnh cũng không quá khó. Diện tích ô chuồng cho mỗi cặp chim thông thường từ 10-15m2, nền chuồng và khoảng sân phải cao, rải cát để hút ẩm và đảm bảo cho lông đuôi công không bị dính bẩn mỗi khi di chuyển, đồng thời là chỗ để cho công tắm cát làm sạch bộ lông. Đặc biệt, chuồng nuôi phải thông thoáng, mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Ngoài khoảng sân nhỏ để công tự do nhảy múa, vận động, tắm nắng; người nuôi phải bố trí thêm một số cành cây trong chuồng tạo khung cảnh thiên nhiên để chim bay đậu cho thoải mái nhanh lớn và có lông đẹp. Để đảm bảo công sinh sản tốt nên bố trí theo tỷ lệ 1 trống và 2 mái. Sau 2 năm, công đạt đến độ tuổi trưởng thành và bắt đầu có khả năng sinh sản.

Nuôi chim công giúp gia đình anh Nguyễn Văn Luân
ở xóm 12, xã Giao Thịnh (Giao Thủy) thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
   
Thông thường, mùa công đẻ trứng từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch. Năm đầu tiên sinh sản, chim công đẻ được khoảng 20 quả trứng; từ năm thứ 3, thứ 4 trở đi, lượng trứng sinh sản bắt đầu ổn định và nhiều hơn, từ 25-30 trứng, tỷ lệ ấp nở cũng cao hơn. Chim công không thể tự ấp trứng nên người nuôi phải sử dụng lồng ấp. Hiện tại, tỷ lệ ấp nở trứng công của anh Luân đạt trên 90%. Sản phẩm của đối tượng nuôi mới này hiện khá được giá, lại đa dạng. Trứng công trên thị trường có giá 600-800 nghìn đồng/quả, một cặp chim non 1 tháng tuổi chưa phân biệt được chim trống hay chim mái đã có giá 2 triệu đồng, một cặp công giống bố mẹ trưởng thành giá 16 triệu đồng. Như vậy, sau 2 năm, người chăn nuôi cũng thu được gần 30 triệu đồng từ bán chim non. Bên cạnh đó, người nuôi chim công còn có thu nhập từ bán lông đuôi công. Mỗi năm, công thay lông đuôi một lần, khoảng 50-70 chiếc. Chim công từ 3-4 năm tuổi trở lên lông đuôi có chiều dài từ 1-1,5m với những đốm đồng tiền to óng ánh rất đẹp. Giá mỗi chiếc lông dài trên 1m từ 40-70 nghìn đồng. Đặc biệt, với loại chim trắng (còn gọi là công bạch tạng) có bộ lông màu trắng tuyết, giá lông đuôi thậm chí còn cao hơn. Tính ra, nuôi chim công đem lại thu nhập cao gấp 4-5 lần so với nuôi gà. Hiện anh Luân vẫn đang tiếp tục nhân giống và phát triển quy mô đàn chim công cung cấp ra thị trường con giống và công trưởng thành, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho những người có chung niềm đam mê loài chim quý hiếm này. Năm 2019, anh Luân có kế hoạch mở rộng thêm 200m2 chuồng trại để nuôi thêm 40 cặp chim công giống, đồng thời thử nghiệm thêm các loài nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao đang được thị trường sinh vật cảnh, thú cưng ưa chuộng như vịt uyên ương bảy màu, chim trĩ bảy màu…
Năng động, sáng tạo, mạnh dạn tìm lối đi mới có hiệu quả, anh Luân đã thành công trong bước đầu lập nghiệp. Mô hình kinh tế của anh Luân cho thấy hiệu quả của việc nắm bắt xu thế thị trường để đầu tư, không chạy theo phong trào./.

Bài và ảnh: Đức Toàn-báo Nam Định

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1