Sốt là một trong những phản ứng phụ thường gặp sau tiêm vaccine COVID-19. Vậy có được dùng thuốc hạ sốt để đối phó với cơn sốt sau tiêm chủng?
Nếu có biểu hiện sốt trên 38.5 độ C, có thể dùng thuốc hạ sốt
nhưng cần tuân thủ liều lượng thuốc được khuyến cáo
Giống như hầu
hết các loại thuốc đều có tác dụng phụ, vaccine cũng có các mức độ tác dụng phụ
khác nhau. Tuy nhiên, tác dụng phụ của vaccine thường chỉ là tạm thời. Các tác
dụng phụ thường gặp nhất sau tiêm là đau, sưng và tấy đỏ tại chỗ tiêm. Bạn cũng
có thể sốt sau tiêm vaccine COVID-19.
Các tác dụng
phụ này thường tự biến mất sau vài ngày. Các phản ứng dị ứng nghiêm trọng như
phản vệ là cực kỳ hiếm. Nhưng, sau khi tiêm vaccine, nên ở lại 30 phút tại điểm
tiêm chủng để nhân viên y tế có mặt trong trường hợp có bất kỳ phản ứng tức
thời nào.
Lưu ý, nên đọc
kỹ và làm theo các thông tin, hướng dẫn sau khi tiêm do nhân viên y tế cung cấp
tại thời điểm tiêm chủng, bao gồm bất kỳ khuyến cáo nào về việc sử dụng thuốc
giảm đạu hạ sốt như paracetamol để giảm đau và giảm các triệu chứng sốt có thể
gặp phải sau khi tiêm chủng.
Có nên dùng
thuốc để phòng ngừa sốt?
Tổ chức Y tế
Thế giới (WHO) cho biết, không nên dùng thuốc hạ sốt trước khi tiêm vaccine
COVID-19 để ngăn ngừa các tác dụng phụ tiềm ẩn, vì việc làm này có thể ảnh
hưởng đến hiệu quả của vaccine. Tuy nhiên, có thể dùng paracetamol hoặc các
loại thuốc giảm đau, hạ sốt khác trừ khi bạn có bất kỳ chống chỉ định cụ thể
nào nếu phát triển các tác dụng phụ như đau, sốt, nhức đầu hoặc đau cơ sau khi
tiêm.
Các cơ quan y
tế cũng khuyến nghị việc sử dụng thích hợp các loại thuốc giảm đau, hạ sốt sau
tiêm để điều trị các triệu chứng này sau khi tiêm chủng vaccine COVID-19. Vì
vậy, nếu có biểu hiện sốt trên 38.5 độ C, có thể dùng thuốc hạ sốt nhưng cần
tuân thủ liều lượng thuốc được khuyến cáo.
Tuyệt đối,
không dùng quá liều thuốc, vì có thể gây hại gan, nguy hiểm. Nếu, sốt cao liên
tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt, cần liên hệ ngay với các cơ sở
y tế.
Thuốc hạ sốt có
làm giảm phản ứng miễn dịch sau tiêm?
Hiện tại, chưa
có bất kỳ bằng chứng hoặc lời khuyên y tế công cộng nào cho thấy việc sử dụng
các thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol để kiểm soát cơn sốt và cơn đau sau
khi tiêm vaccine COVID-19 có tác động đến phản ứng miễn dịch sau tiêm chủng.
Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn
thêm.
Làm thế nào để
đối phó với cơn sốt sau tiêm chủng?
Ngoài việc dùng
thuốc, một số kỹ thuật tự chăm sóc có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng do phản
ứng phụ sau tiêm chủng COVID-19 gây ra. Đối với các phản ứng tại chỗ tiêm, như
đau hoặc sưng, sử dụng khăn ướt sạch và mát để chườm. Điều này cũng có thể giúp
giảm đau cơ và khớp.
Để giảm bớt đau
nhức hoặc cứng ở cánh tay, vận động cánh tay càng nhiều càng tốt. Việc này giúp
ngăn ngừa tình trạng căng cứng bằng cách thả lỏng các cơ bị đau. Nếu bị ớn lạnh
và sốt nhẹ nên uống nhiều nước để tránh mất nước. Mặc quần áo nhẹ và thoáng mát
giúp tránh bị quá nóng.
Vaccine
COVID-19 là an toàn và việc tiêm chủng sẽ giúp bảo vệ bạn khỏi phát triển bệnh
nghiêm trọng và tử vong do COVID-19.
Sau khi tiêm
chủng, thường mất vài tuần để cơ thể xây dựng khả năng miễn dịch chống lại
SARS-CoV-2. Vì vậy, bạn vẫn có thể bị nhiễm SARS-CoV-2 ngay trước hoặc sau khi
tiêm chủng. Điều này là do vaccine vẫn chưa có đủ thời gian để bảo vệ. Vì vậy,
vẫn cần nhớ thực hiện nghiêm túc các quy định 5K để hạn chế nguy cơ này./.
Theo
suckhoedoisong.vn